Hoài Đức “cất cánh" lên quận, sẵn sàng trở thành trung tâm mới của Thủ đô
“Đòn bẩy” cho Vùng Thủ đô phát triển
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18/8/2022 để triển khai nghị quyết của Quốc hội.
Không gian quy hoạch của Vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay bao trùm TP. Hà Nội và 9 tỉnh là Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây là một trong những vùng trọng điểm kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Từ những hạn chế về kết nối hạ tầng đó, Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4.
“Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã và đang tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đã khởi công ngày 25/6/2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết thêm: "TP. Hà Nội xác định đây là một bước cụ thể hóa việc tập trung vào 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối)”.
Đồng thời, ông Hà Minh Hải cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu rõ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Mở rộng không gian phát triển
Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai. Đồng thời, giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5…
Đáng chú ý, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP. Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, Vành đai 4 về bản chất là tuyến đường vòng cung với chức năng chính là kết nối liên vùng. Đồng thời, đây cũng là con đường nằm ở vòng ngoài thành phố.
Do vậy, theo ông Đào Huy Hoàng, cần tập trung làm bài bản các đường trục chính, hướng tâm. Các trục này nếu được quy hoạch bài bản, mặt cắt ngang rộng và khoảng cách phù hợp sẽ là yếu tố cốt lõi giúp hút dân cư khỏi nội đô, phát triển đô thị, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay.
Đề cập vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, sau khi Vành đai 4 hoàn thành sẽ thu hút dân cư giúp giãn dân nội đô. Theo ông Ánh, đây là cơ hội, nhưng cũng đồng thời là thách thức, bởi phải đối diện với nguy cơ đô thị phát triển tự phát, xây dựng trái phép theo kiểu "vệt dầu loang". Ông Huy Ánh cũng nhấn mạnh, Thành phố cần sớm có quy hoạch cụ thể đồng thời quản lý chặt quỹ đất xung quanh tuyến đường.
Thành phố Hà Nội phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch. (Nguồn: Hanoimoi)
"Xây dựng Vành đai 4 Thủ đô là hết sức cần thiết"
Để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng các bài toán liên quan. Trong đó có hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...
Bày tỏ quan điểm, TS. Nguyễn Văn Hậu, Trường Đại học Giao thông Vận tải đánh giá, xây dựng Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách. Hiện nay, đường vành đai 3 Hà Nội dù có 4 làn xe cao tốc trên cao và 6 đến 10 làn xe trên tuyến đường song hành bên dưới nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra nghiêm trọng do lưu lượng xe quá lớn. Với lưu lượng xe lớn, việc áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) là khá phù hợp với dự án đường Vành đai 4, song khó bù đắp được chi phí đầu tư cho đoạn cao tốc.
TS. Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: “Theo kinh nghiệm cá nhân, với các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) tại Việt Nam, nếu tổng mức đầu tư dưới 12.000 tỷ đồng, phương án tài chính mới khả thi trong thời điểm hiện nay. Các dự án có phương án tài chính trên 20.000 tỷ đồng đều không khả thi, bất kể lưu lượng lớn vì chi phí lãi vay quá cao”.
Cũng theo ông Hậu, chỉ có thể triển khai được hình thức đầu tư BOT khi có sự phối hợp giữa Nhà nước và nhà đầu tư để cùng tham gia thực hiện dự án. Hiện nay, phương án Vành đai 4 cao tốc chủ yếu đi trên cao, các diện tích đất dưới gầm cầu dùng để dự phòng cho giao thông trong tương lai. Có thể nghiên cứu xây dựng đường cao tốc dưới đất, sử dụng rào chắn, chỉ xây các cầu vượt tại các điển cần vượt qua chướng ngại, giao cắt và sông, không sử dụng đa số phương án cầu cạn trên cao như hiện nay. Giải pháp này sẽ bảo đảm giảm tối đa chi phí đầu tư và bảo đảm phương án đầu tư BOT khả thi về tài chính.
Trong khi đó, TS Phạm Văn Khánh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, công tác đánh giá tác động của việc xây dựng Dự án là nhiệm vụ rất cần thiết, đặc biệt là với các dự án lớn vì nguồn vốn sử dụng lớn, sử dụng khối lượng lớn vật liệu, nhân công và máy thi công, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm và môi trường...
Chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn Thành phố ngày 14/3, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn TP Hà Nội; lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ: “Tôi lưu ý, đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Dự án qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km).
Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.